Theo ACBS với xu hướng giá dầu tăng, giá cao su có thể tăng trở lại, trong bối cảnh nguồn cung nhiều khả năng khan hiếm trong năm nay.
Nguồn cung cao su thế giới thiếu hụt hơn 800.000 tấn
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán ACBS cho biết theo ước tính từ Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu cao su (ANRPC) tổng lượng tiêu thụ cao su đã phục hồi từ mốc thấp khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã phải hứng chịu sự bùng nổ của đại dịch từ đầu năm 2020.
Ngoài điều kiện thuận lợi của thị trường cao su, giá hàng hóa này cũng theo xu hướng giá dầu thô từ tháng 2/2021 khi giá dầu đã tăng bình quân 13,7% so với đầu năm 2021.
Trên thị trường bán sỉ cao su, giá bình quân của SMRR-20 và STR-20 đã tăng hơn 6% và 4,7%. Tấm cao su cũng cho thấy mức tăng khi giá bình quân của RSS-3 tại sàn Bangkok đã ghi nhận mức tăng 3,6% lên mức 2.25 USD/kg và RSS-4 tại thị trường Kottayam cũng đang giao dịch tại mức bình quân 2,14 USD/kg.
Tổng sản lượng cao su thế giới trong nửa đầu năm 2021 đã đạt 4,5 triệu tấn, trong khi tổng lượng tiêu thụ trong giai đoạn này đã đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Chênh lệnh giữa cung và cầu rời vào khoảng hơn 800.000 tấn về phía cầu.
Sự sụt giảm trong tổng sản lượng cao su đã bắt đầu từ năm 2020 nhưng chênh lệch cung cầu bắt đầu trở nên rõ rệt hơn trong năm 2021.
Khoảng 65% cao su tự nhiên được sản xuất tại Đông Nam Á, hiện đang chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh rụng lá trên cây cao su.
Theo ACBS có những báo cáo đã chỉ ra rằng, suốt thời gian dài giá cao su giảm về mức thấp, những nông dân trồng cao sau đã giảm việc chăm sóc cây, dẫn đến việc cung cấp ít chất dinh dưỡng cho cây cao su hơn và làm cây dễ mắc bệnh hơn. Hiện dịch bệnh chỉ mới ảnh hưởng đến cây cao su ở Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ và Malaysia.
Tuy nhiên Hiệp hội cao su Việt Nam cũng đã đưa ra cảnh báo tới các thành viên để có sự chuẩn bị tốt hơn nếu dịch bệnh lan tới Việt Nam, đặc biệt là với các thành viên có vườn cao su ở Campuchia, nơi có vị trí địa lý gần với Thái Lan.
Sự phát triển của vùng trồng cao su đã chịu nhiều áp lức khi giá cao su bước vào xu hướng giảm từ năm 2013 đến 2019. Ở Indonesia, diện tích trồng cây công nghiệp mới chuyển sang chủ yếu tập trung vào cây cọ dầu, có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với cao su. Thái Lan cũng có thời gian khuyến khích nông dân thay thế cây cao su bằng các loại cây khác, do tình hình giá thấp kéo dài.
Mặc dù ANRPC đã dự báo sản lượng cao su sẽ vượt cung trong năm 2021, tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường cao su đang thiếu hụt nguồn cung trong nửa đầu 2021. ACBS tin rằng tình trạng thiếu cung sẽ tiếp tục diễn ra đến cuối năm 2021 khi mùa mưa đã bắt đầu.
Kỳ vọng giá cao su tăng tích cực
Báo cáo của ACBS cũng cho biết sự tăng trưởng chậm của sản lượng cao su trong vài năm tới là kết quả của sự sụt giảm vùng trồng mới trong những năm gần đây. Dịch bệnh rụng lá trên cây cao su, ảnh hưởng mạnh đến các cây trong độ tuổi khai thác, cũng góp phần vào sự tăng trưởng chậm của nguồn cung cao su.
Với xu hướng giá dầu tăng, giá cao su có thể tăng trở lại, trong bối cảnh nguồn cung nhiều khả năng khan hiếm.
Làn sóng COVID thứ hai tại Ấn Độ từ tháng 3 cũng ảnh hưởng giảm nhu cầu cao su năm 2021. Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, việc giảm triển vọng tiêu thụ cao su của quốc gia này cũng có thể dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới thấp hơn dự báo khiến cho giá cao su không thể tăng quá mạnh, vào khoảng trên 220 Yên/kg.